Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức
Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ tập trung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng- an ninh, tin học, ngoại ngữ. Phấn đấu bảo đảm hằng năm ít nhất 80% công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Đối với viên chức và NLĐ hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế ít nhất 60% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; ít nhất 70% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; hằng năm ít nhất 60% viên chức và NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề chuyên ngành.
Thông qua đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; gắn đào tạo bồi dưỡng với nhu cầu và quy hoạch sử dụng lâu dài. Có cơ chế khuyến khích CCVC nữ, người dân tộc thiểu số; CCVC công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và bản thân CCVC khi tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm hay về đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước; chủ động nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến của các nước để áp dụng một cách phù hợp vào thực tiễn của Ngành.
BHXH Việt Nam cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC; đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện.